Trong năm 2024, lãnh đạo doanh nghiệp đang quan tâm đến những vấn đề gì? Người làm Nhân sự cần phát triển chiến lược Employer Branding như thế nào để hỗ trợ giải quyết những thách thức này? Hãy cùng Talent Brand cập nhật Xu hướng Truyền thông Nhân sự giúp tối ưu hiệu quả trong việc thu hút và giữ chân nhân tài, đảm bảo nguồn nhân lực ổn định cho sự phát triển của doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại.
Lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại điều gì trong năm 2024?
Nền kinh tế phục hồi chậm chạp
Theo Khảo sát Quản trị Rủi ro Toàn cầu năm 2023 của Aon (dựa trên ý kiến của gần 3000 người tham gia ở cấp C-level đến từ 61 quốc gia và vùng lãnh thổ trong 16 ngành công nghiệp chính), có đến 55% lãnh đạo cho biết rủi ro này đã gây ra tổn thất cho tổ chức của họ trong 12 tháng trước khi khảo sát được tiến hành. Xét trên diện rộng, bất ổn về thời gian kéo dài của tình trạng suy thoái kinh tế sẽ thúc đẩy một tổ chức chuyển sang tư thế phòng thủ và tập trung vào việc kiểm soát dòng tiền, chi phí và lực lượng lao động của mình.
Hoạt động kinh doanh đã chịu tác động từ sự chậm lại của nền kinh tế ở các phương diện như: gián đoạn dòng tiền, gián đoạn chuỗi cung ứng, khó khăn tài chính, thách thức về lao động và nhân sự… Dù đã quen với biến động, các tổ chức sẽ đối diện với thêm nhiều thách thức kinh tế do yếu tố như già hóa lực lượng lao động và sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo.
Đối mặt với tình hình hiện tại, các tổ chức buộc phải giảm ngân sách nhân sự, bao gồm việc cắt giảm nhân viên và chương trình đào tạo. Việc cắt giảm nhân sự không chỉ ảnh hưởng đến những người mất việc mà còn tạo ra cảm giác không an toàn cho những người còn lại, làm suy giảm tinh thần và động lực làm việc. Đồng thời, việc giảm ngân sách đào tạo cũng hạn chế khả năng phát triển kỹ năng của nhân viên, ảnh hưởng đến sự đổi mới và năng lực cạnh tranh lâu dài của tổ chức.
Thách thức trong thu hút và giữ chân nhân tài
Cũng trong khảo sát trên của Aon, có đến 33% lãnh đạo cho biết tổ chức của họ đã chịu tổn thất từ rủi ro này trong 12 tháng trước khi khảo sát. Trong một khảo sát khác của Deloitte về Ưu tiên của CEO năm 2023, 77% người tham gia cho rằng việc có được và giữ chân được những nhân viên giỏi được coi là rất quan trọng để thúc đẩy sự thành công và ảnh hưởng tích cực của tổ chức trong xã hội.
Khan hiếm nhân lực ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu, cản trở quá trình sản xuất và phân phối là mối quan tâm chính đối với người tham gia khảo sát. Sự khác biệt giữa nhu cầu về kỹ năng và khả năng của thị trường lao động hiện nay so với những gì nguồn nhân lực hiện tại có thể đáp ứng được xem là một vấn đề quan trọng. Trong các ngành công nghiệp chủ chốt, cuộc đua tranh giành nhân tài đang khiến một số doanh nghiệp hoặc ngay cả một ngành công nghiệp tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh trên nhiều phương diện.
Nếu thiếu sự bổ sung nhân tài ổn định, các công ty có thể không có đủ bộ kỹ năng cần thiết để theo kịp xu hướng thị trường và ngành công nghiệp. Các công ty cần nhân viên xuất sắc để đưa ra ý tưởng mới, chiến lược mới và tạo ra đổi mới sáng tạo, những yếu tố này rất quan trọng để họ có thể duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Nếu không thu hút được ứng viên giỏi, điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến chất lượng công việc chung, mà còn tạo áp lực và tăng gánh nặng công việc cho những nhân viên tài năng còn lại trong công ty. Áp lực tăng cao có thể dẫn đến kiệt sức, mất hứng thú và thách thức trong giữ chân nhân viên hiện tại.
Đáp ứng nhu cầu của khách hàng và Thích nghi với môi trường kinh doanh
22% lãnh đạo tham gia cho biết rủi ro này đã gây ra tổn thất cho tổ chức của họ trong 12 tháng trước khi khảo sát. Trong bối cảnh công nghệ liên tục phát triển nhanh chóng và vượt xa những gì các công ty có thể cung cấp, các tổ chức đang chịu áp lực ngày càng lớn để đáp ứng nhu cầu mới được đặt ra của khách hàng hoặc đối mặt với nguy cơ thua kém so với đối thủ cạnh tranh. Sở thích của người tiêu dùng đang thay đổi với tốc độ nhanh chóng do truyền thông đại chúng, phát triển công nghệ và phân khúc thị trường. Do đó, các công ty cần phải theo dõi sát sao xu hướng và gu thị hiếu mới nhất.
Thay đổi trong quy định pháp lý cũng làm tăng rủi ro cho doanh nghiệp nếu không kịp thích ứng. Các công ty chậm chạp trong việc cập nhật theo quy định mới có thể mất đi lợi thế cạnh tranh so với đối thủ. Việc duy trì sự phản hồi linh hoạt với các động thái thị trường đang phát triển cùng với việc theo dõi và phản ứng với các phát triển về quy định có thể là một thách thức đối với cả các công ty đang phát triển và những doanh nghiệp có bề dày kinh nghiệm.
Tối ưu hóa nguồn lực, linh động thích ứng sẽ là một xu hướng tất yếu
Trong bối cảnh của những thách thức mà chúng ta đã thảo luận, các nhà lãnh đạo cần phải tìm ra cách thức quản lý và vận hành doanh nghiệp một cách hiệu quả và linh hoạt hơn bao giờ hết. Chính trong bối cảnh này, phương pháp Lean trở thành một giải pháp không thể bỏ qua.
Áp dụng Lean trong các bộ phận và phòng ban không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình làm việc, giảm lãng phí và nâng cao hiệu suất, mà còn tạo điều kiện cho việc thích ứng nhanh chóng với các thay đổi và yêu cầu mới từ thị trường.
Với nguyên lý cốt lõi là tập trung vào việc tạo ra giá trị cho khách hàng và loại bỏ mọi hoạt động không mang lại giá trị, Lean không chỉ đem lại hiệu quả trong sản xuất mà còn có thể áp dụng linh hoạt trong các lĩnh vực khác như marketing, nhân sự, và hậu cần.
Cùng điểm qua một số báo cáo và nghiên cứu gần đây về xu hướng áp dụng phương pháp Lean trong các lĩnh vực và bộ phận khác nhau của doanh nghiệp trong năm qua, từ đó hiểu rõ hơn ý nghĩa và vai trò của Lean trong thời điểm hiện tại.
Marketing
Trong Báo cáo Xu hướng tiếp thị năm 2024 do Kantar thực hiện, các thương hiệu được công chúng cảm nhận là sáng tạo và liên tục đổi mới sẽ có cơ hội tăng trưởng doanh thu gấp ba lần so với những thương hiệu không có điều này. Hơn nửa số nhà tiếp thị (57%) đồng ý rằng họ cần phải đổi mới để tạo ra lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực này.
Các chiến lược tiếp thị truyền thống không còn hiệu quả và doanh nghiệp cần phải linh hoạt để tồn tại. Có vài đặc điểm chung trong các thương hiệu đã đạt được lợi thế cạnh tranh thông qua đổi mới, tuy không trực tiếp chỉ ra việc áp dụng Lean, nhưng những yếu tố cốt lõi của Lean đã thể hiện rõ nét trong chiến lược tiếp thị của họ: lấy khách hàng làm trọng tâm; đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng thương hiệu vững chắc và liên tục việc thử nghiệm, học hỏi.
Lean giúp Marketers hình thành các nhóm nhỏ, đa chức năng, thúc đẩy sự hợp tác, và đạt được kết quả lớn hơn với ít công sức hơn; đồng thời cho phép các doanh nghiệp làm việc theo các chu kỳ ngắn, thử nghiệm và áp dụng các ý tưởng mới, và nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch của họ dựa trên phản hồi nhận được.
Logistics
Theo thông tin từ Shopify, 70% các nhà bán lẻ trên nền tảng này và 52% doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác đang đang sử dụng cơ sở lưu trữ hàng tồn kho trực tiếp để chứa hàng tồn kho lớn, sẵn sàng phân phối theo nhu cầu của khách hàng. Việc tăng cường dự trữ hàng tồn kho hoạt động như một “quỹ dự phòng”, mang lại sự linh hoạt cho doanh nghiệp trước những tình huống bất ngờ. Chiến lược này phản ánh nguyên tắc Just-In-Time của Lean trong việc giảm thiểu lãng phí và tối ưu hóa quy trình phân phối.
Các doanh nghiệp kết hợp dữ liệu đã có trước đó với một lượng dự trữ dồi dào để giải quyết bất kỳ gián đoạn chuỗi cung ứng nào trước khi chúng xảy ra. Chiến lược này thể hiện nguyên tắc cải tiến liên tục (Kaizen) và chủ động trong quản lý rủi ro. Hơn nữa, các doanh nghiệp quyết định outsource hàng tồn kho cho một đối tác khác chứng tỏ họ chú trọng vào việc hợp tác và linh động trong việc quản lý chuỗi cung ứng, hướng tới một cách tiếp cận chủ động hơn trong việc đối phó với sự thay đổi và bất ổn.
Product Development
Trong lĩnh vực phát triển sản phẩm, việc áp dụng phương pháp Lean đã được thể hiện trong trường hợp của Chat GPT. Quay lại 1 năm trước, các công ty công nghệ bê bết, sa thải hàng loạt, cắt giảm chi phí, thua lỗ hàng tỷ USD. Ngày 30/11/2022, OpenAI đã công bố “bản demo ban đầu” của Chat GPT. Dù CEO của OpenAI thừa nhận về những hạn chế về tính chắc chắn và trung thực của sản phẩm, nhưng sự ra đời của Chat GPT đã khiến thế giới thức tỉnh với cuộc cách mạng AI . Mãi đến tháng 2/2023, Google mới công bố một chatbot AI mới của riêng mình để cạnh tranh với Chat GPT, kéo theo cuộc chạy đua của các “gã khổng lồ” công nghệ khác trên toàn cầu trong việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm tương tự.
OpenAI, dù chỉ là một công ty khởi nghiệp, đã thách thức vị thế dẫn đầu của gã khổng lồ công nghệ Google. Họ áp dụng một phương pháp phát triển sản phẩm phản ánh rõ ràng nguyên tắc Lean, đó là việc tung ra sản phẩm mới mặc dù sản phẩm còn nhiều hạn chế, và tiếp tục thử nghiệm, sửa chữa dần dần (Iterative Development) thay vì chờ đợi đến khi sản phẩm hoàn hảo. Chấp nhận rủi ro, thử nghiệm nhanh chóng và học hỏi từ thực tế được đặt lên hàng đầu.
Người làm Employer Branding không thể đứng ngoài cuộc
Khi các nhà lãnh đạo đang phải đối mặt với nhiều thách thức như đã nêu trên, việc thu hút và giữ chân nhân tài trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu. Nhân tài là lực lượng chủ chốt giúp tổ chức vượt qua khó khăn, chống chọi lại với những biến động của thị trường. Dù nguồn lực có hạn chế, nhưng việc thu hút và giữ chân nhân tài vẫn cần được ưu tiên.
Giống như cách mà Lean đã được áp dụng thành công trong các lĩnh vực khác của doanh nghiệp, Lean trong Employer Branding chính là chiến lược thông minh và cần thiết để giúp tổ chức xây dựng, duy trì và phát triển thương hiệu nhà tuyển dụng.
Trong bài viết này, Talent Brand sẽ gợi ý cho bạn những bước thực hiện Lean Employer Branding để có thể bắt đầu ngay trong năm 2024:
Tận dụng nguồn lực sẵn có
Thay vì tiến hành một cuộc nghiên cứu toàn diện đòi hỏi nguồn lực lớn về thương hiệu nhà tuyển dụng trên toàn thể công ty và thị trường lao động để xác định các yếu tố hấp dẫn nhân tài, người làm Lean Employer Branding có thể bắt đầu bằng cách sử dụng những thông tin sẵn có.
- Hãy tổng hợp các tài liệu hiện có như tầm nhìn, sứ mệnh, và giá trị cốt lõi của công ty để xây dựng nền tảng vững chắc cho chiến lược thương hiệu nhà tuyển dụng của bạn, đồng thời nhận diện rõ ràng những điểm mạnh và định hướng cốt lõi mà tổ chức muốn truyền đạt đến nhân viên hiện tại và ứng viên tiềm năng.
- Để hiểu rõ hơn về quan điểm và nhu cầu của người lao động ngoài thị trường, hãy tiến hành nghiên cứu thứ cấp bằng cách đọc và phân tích các báo cáo sẵn có, nghiên cứu xu hướng thị trường, và các nghiên cứu về nhận thức, hành vi và kỳ vọng của nhân tài.
- Để thu thập thông tin giá trị từ bên trong tổ chức, hãy tổ chức các cuộc phỏng vấn nhóm nội bộ với 6-8 người, kéo dài không quá 2 giờ. Mục đích là hiểu rõ hơn về cách nhìn nhận của họ đối với công ty như một nhà tuyển dụng, cũng như kỳ vọng và hành vi của họ tại nơi làm việc.
Phác thảo EVP sơ bộ
- Dựa trên thông tin đã thu thập, chúng ta sẽ bắt đầu xây dựng Giá trị Nhân viên (EVP – Employee Value Proposition) sơ bộ, nêu rõ những giá trị cốt lõi và lợi ích mà tổ chức mang lại cho nhân viên của mình.
- Sau đó tiếp tục phác thảo các chất liệu truyền thông. Điều này bao gồm việc xây dựng EVP Tagline – một thông điệp ngắn gọn, súc tích, thể hiện rõ ràng giá trị mà tổ chức mang lại cho nhân viên, đồng thời sẽ là thông điệp chính trong các chiến dịch truyền thông và quảng bá thương hiệu. Chúng ta cũng cần chú ý đến hình ảnh chủ đạo, bao gồm các yếu tố nhận diện thương hiệu và giá trị mà tổ chức mang lại, cũng như các yếu tố thiết kế như màu sắc, phông chữ, và các yếu tố hình ảnh khác, nhằm tạo nên một bộ nhận diện thương hiệu nhất quán.
- Đừng áp lực về việc mọi thứ phải hoàn hảo ngay từ ban đầu. Mục tiêu của chúng ta là tạo ra một bản phác thảo sơ bộ và nhanh chóng ra mắt, để kịp thời đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ đó, chúng ta sẽ tiếp tục thu thập phản hồi, thử nghiệm và cải tiến dần dần.
Ra mắt nội bộ
- Sau khi hoàn thành việc chuẩn bị các chất liệu cần thiết cho chiến dịch, bước tiếp theo là triển khai truyền thông nội bộ. Bước này không chỉ giúp nhân viên hiểu rõ và ủng hộ giá trị của thương hiệu nhà tuyển dụng, mà còn là dịp để thu thập phản hồi trực tiếp từ những người đang trực tiếp trải nghiệm môi trường làm việc và văn hóa công ty.
- Sau khi thu thập phản hồi từ nhân viên, chúng ta cần phải tiếp tục quá trình chỉnh sửa và cải tiến EVP nhằm đảm bảo rằng nó phản ánh một cách chính xác và hiệu quả nhất giá trị và sứ mệnh mà tổ chức muốn truyền đạt.
Lập kế hoạch ra mắt rộng rãi
- Tiếp theo, chúng ta sẽ triển khai kế hoạch ra mắt thương hiệu nhà tuyển dụng trên nhiều kênh truyền thông khác nhau, từ mạng xã hội, các sự kiện tuyển dụng, đến các chiến dịch quảng cáo.
- Trong giai đoạn này, việc đo lường và phân tích phản hồi (Feedback Measurement) từ các hoạt động truyền thông là hết sức quan trọng. Chúng ta cần theo dõi chặt chẽ các chỉ số như phản ứng của người dùng trên mạng xã hội, hiệu suất của các chiến dịch tuyển dụng, phản hồi từ ứng viên, cũng như sự chấp nhận và phản hồi từ phía nhân viên. Dựa vào những dữ liệu này, chúng ta sẽ liên tục điều chỉnh thông điệp và chiến lược truyền thông, nhằm xác định kênh nào mang lại hiệu quả cao nhất và cần thiết phải điều chỉnh kế hoạch truyền thông để đạt được kết quả tốt nhất.
Tổng kết
Mặc dù Employer Branding có hiệu quả trong việc thu hút và giữ chân nhân tài, giúp giải quyết các vấn đề về nguồn nhân lực, song việc đạt được kết quả tức thì trong thời gian ngắn luôn là một thách thức lớn đối với những người làm trong lĩnh vực nhân sự. Lean sẽ là chiến lược giúp người Employer Branding tiết kiệm nguồn lực, nhanh chóng nhận được những kết quả thực để kịp thời thích ứng với sự thay đổi bên ngoài và chứng minh được giá trị thực sự của Thương hiệu Nhà tuyển dụng với các nhà lãnh đạo.
Trong giai đoạn đầu khi bắt đầu thực hiện Lean Employer Branding, bạn có thể gặp phải những khó khăn trong việc tìm cách tinh gọn và cải tiến mà vẫn đảm bảo tính chuyên nghiệp và bài bản. Tại Talent Brand, chúng tôi sẽ hỗ trợ bạn với kinh nghiệm và trải nghiệm mà chúng tôi có. Cùng theo dõi và đón đọc chi tiết cách thực hiện từng bước trong Lean Employer Branding ở bài viết tiếp theo.