3 cách để duy trì tính linh hoạt cho Thương hiệu Nhà tuyển dụng
Trong thời điểm của những thay đổi bất ngờ kèm theo nhiều thách thức không tránh khỏi, doanh nghiệp không chỉ truyền thông tốt mà còn phải thực sự hành động để duy trì gắn kết và tinh thần của tổ chức. Trong đó, sự chuyển đổi văn hóa từ “nói về tính linh hoạt – Agility” sang “trở thành tổ chức linh hoạt – Agile Organization” là một bài toán đặt ra cho hầu hết các doanh nghiệp hiện nay.
Không chỉ lãnh đạo tổ chức cần phải đảm nhiệm mục tiêu trên mà bộ phận Nhân sự cũng cần chung tay bằng cách đảm bảo sự linh hoạt trong truyền thông Thương hiệu Nhà tuyển dụng.
Chính xác thì doanh nghiệp cần phải làm gì để hiện thực hóa nhiệm vụ này? Mời Anh Chị HR cùng tham khảo những chia sẻ gần đây từ Kathryn Minshew – nhà sáng lập nền tảng thu hút và tuyển dụng nhân tài The Muse.
Có thể bạn quan tâm:
- 6 chiến lược cải thiện trải nghiệm nhân viên
- Employee Experience: Hành trình gắn kết nhân viên với doanh nghiệp
- 3 lưu ý để nâng cấp Employee Engagement hậu đại dịch
#1.Tái định nghĩa văn hóa doanh nghiệp và cách giao tiếp với ứng viên tiềm năng dựa trên xu hướng làm việc từ xa
Trên thực tế, xu hướng làm việc từ xa đã có trước cả khi Covid-19 bùng nổ. Cho đến khi đại dịch thực sự xảy ra, dù không mong muốn, doanh nghiệp vẫn buộc phải thúc đẩy xu hướng này và chấp nhận nó như một phần văn hóa mới. Ở góc nhìn khách quan, làm việc từ xa có thể gây nhiều trở ngại trong việc gắn kết nhân tài nhưng phần nào cũng mang lại những trải nghiệm tích cực hơn cho người đi làm, chẳng hạn như thời gian linh hoạt và hiệu suất sau cùng.
Kathryn tin rằng điều này sẽ thay đổi nhiều thứ hữu hình, như cách bố trí văn phòng và cách phân phối công việc. Bên cạnh đó, nó cũng sẽ có tác động lớn đến văn hóa doanh nghiệp, Thương hiệu Nhà tuyển dụng và cách doanh nghiệp làm tuyển dụng.
Sau đây là một số hành động đề xuất đến từ Kathryn:
Vì nhóm truyền thông Thương hiệu Nhà tuyển dụng có trách nhiệm rất lớn trong việc quảng bá hình ảnh công ty, các bạn sẽ cần phải làm việc lại với ban lãnh đạo, Quản lý Nhân sự và các bên có liên quan để xác định lại phương thức làm việc trong tương lai sẽ ảnh hưởng đến văn hóa doanh nghiệp như thế nào. Hãy xem xét: Làm thế nào để bạn có thể duy trì những yếu tố cốt lõi trong văn hóa của tổ chức?
Khi bạn đã nắm bắt được văn hóa doanh nghiệp mới sẽ có hình thức như thế nào (dù là tạm thời hay lâu dài), điều quan trọng là phản ánh chân thực điều đó đến với ứng viên.
Để làm điều đó một cách hiệu quả, bạn cần cung cấp cho nhà tuyển dụng nội dung và thông tin để giải quyết những khúc mắc liên quan tới văn hóa và trải nghiệm nhân viên. Cụ thể như:
- Đội nhóm của bạn đang giải quyết công việc theo hình thức nào?
- Các chiến lược và mục tiêu hiện tại cần giải quyết là gì?
- Mọi người đang tương tác với nhau như thế nào?
- Doanh nghiệp của bạn đang sử dụng những công nghệ số hóa nào?
- Những chương trình, sự kiện và khóa học trực tuyến nào đang được doanh nghiệp của bạn triển khai cho nhân viên của mình?
Đây không phải là lúc doanh nghiệp vẽ ra những bức tranh lớn lao về tầm nhìn dài hạn, mà là lúc thể hiện tính linh hoạt đến từ bên trong cách vận hành tổ chức nhằm giữ chân nhân viên & thu hút nhân tài.
#2. Điều chỉnh cách truyền tải câu chuyện nhân viên tự nhiên và ít yếu tố sản xuất hơn
Kathryn tin rằng toàn bộ cách chúng ta nghĩ về video và câu chuyện của nhân viên sẽ cần phải thay đổi.
Trong tương lai, cách chúng ta truyền đạt những câu chuyện sẽ phải thay đổi vì đây là xu hướng không thể tránh khỏi. Ứng viên đang có nhiều nhu cầu hơn cả, thậm chí là chưa nói ra và doanh nghiệp cần phải là người dự cảm đón đầu những nhu cầu đó.
Đặc biệt, Covid-19 đã phần nào đó chuẩn hóa video trở thành một dạng thức bình thường và đáng để doanh nghiệp khai thác. Sau một thời gian mọi người dần dần quen thuộc với các nền tảng như Zoom hay Microsoft Teams, việc xuất hiện trên video cùng với những thông điệp truyền cảm hứng không còn là một hoạt động quá phức tạp.
Hiện tại, chỉ 1/4 doanh nghiệp thật sự tận dụng nội dung do nhân viên tạo ra (Employee Generated Content), vì thế vẫn còn rất nhiều ý tưởng mà doanh nghiệp có thể khai thác ngay từ hôm nay để tạo lợi thế cạnh tranh cho Thương hiệu Nhà tuyển dụng của mình.
Sau đây là một số gợi ý:
- Bạn có thể đề nghị một nhóm nhân tài nòng cốt của doanh nghiệp sử dụng điện thoại thông minh để quay video ngắn trả lời một số câu hỏi điển hình của ứng viên. Sau đó chia sẻ lên mạng xã hội doanh nghiệp và cả trang cá nhân của mình.
- Bạn có thể khuyến khích nhân viên chia sẻ về bất cứ chủ đề gì mà họ yêu thích kèm theo hashtag (chẳng hạn như #LifeAtCompany). Đối với lựa chọn này, bạn cần đảm bảo nội dung chia sẻ mang màu sắc tích cực và kết hợp được cả phong cách của nhân viên với hình ảnh thương hiệu.
Trong cả hai trường hợp, một số câu hỏi bạn có thể cân nhắc là:
- Dự án nào mà bạn thực hiện đã mang đến trải nghiệm tốt cho khách hàng?
- Công ty đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho bạn làm việc như thế nào trong thời gian vừa qua?
- Ứng viên nên làm gì để phỏng vấn thành công tại doanh nghiệp?
#3. Quan tâm đến trách nhiệm nhân văn với cộng đồng
Ngay lúc này, không chỉ doanh nghiệp mà thậm chí là cả cộng đồng ứng viên đang quan sát cách nhà tuyển dụng đối xử với con người. Kathryn tin rằng các doanh nghiệp ưu tiên kết nối con người và các mối quan hệ đích thực sẽ thành công sống sót qua cơn khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra.
Theo Kathryn, doanh nghiệp nên dựa trên những câu chuyện nhân văn đang được lan tỏa trong cộng đồng, kết nối chúng với những giá trị hiện có để định hướng nội dung truyền thông cho Thương hiệu Nhà tuyển dụng. Một cách khác mà doanh nghiệp có thể cân nhắc chính là chú trọng đến trải nghiệm ứng viên và nhân viên để linh hoạt đáp ứng những kỳ vọng tức thời của họ.
Kathryn chia sẻ: “Mặc dù chúng ta có thể cần phải đưa ra những quyết định khó khăn, nhưng đây là thời điểm để trở nên tử tế. Và tôi khuyến khích tất cả chúng ta nghĩ về vai trò của nhân viên với tư cách là một nhà lãnh đạo thấu cảm, để đảm bảo rằng chúng ta đại diện cho tiếng nói của sự tôn trọng bên trong tổ chức của mình.”
Mong rằng 3 chia sẻ trên của CEO The Muse sẽ hữu ích cho Anh Chị HR trong quá trình hiện thực hóa sự linh hoạt trong truyền thông Thương hiệu Nhà tuyển dụng của mình.
Nguồn: Theo Lori Sylvia
Chuyển thể: Trường Thanh – Talent Brand Vietnam
Kết nối với chúng tôi tại đây hoặc tham gia cộng đồng Employer Branding để cùng thảo luận về những chủ đề hấp dẫn và cập nhật thông tin hữu ích.
Bạn cũng có thể tìm hiểu về khóa học Employer Branding 101 qua link sau: https://talentbrand.vn/employer-branding-training/
Mọi nhu cầu tư vấn và triển khai Thương hiệu nhà tuyển dụng tại Việt Nam, xin vui lòng liên hệ Talent Brand qua email partner@talentbrand.vn hoặc hotline 0777 556 776.