Tin tuyển dụng (job post) là một bản mô tả ngắn gọn vị trí công việc mà doanh nghiệp hay tổ chức muốn thu hút ứng viên. Tương tự các loại thông điệp khác trong truyền thông Employer Branding, tin tuyển dụng cũng có những chuẩn mực và tiêu chí riêng để có thể mang loại hiệu quả và cái nhìn thiện cảm trong mắt người ứng tuyển. Hãy luôn đặt ra những câu hỏi sau đây:
- Nội dung tuyển dụng có giúp bạn tìm được nhân viên mới hay không?
- Các thông tin có hấp dẫn ứng viên?
- Họ có bị thu hút bởi những quyền lợi được hưởng cho vị trí đang tuyển?
Bằng cách tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi trên, bạn sẽ từng bước tìm ra được nội dung cụ thể và phù hợp mà doanh nghiệp muốn trình bày trên tin tuyển dụng nhằm thuyết phục các ứng cử viên gia nhập tổ chức của mình.
Ngoài những câu hỏi căn bản trên, 4 lưu ý sau đây chính là check-list mà bạn cần nắm rõ để có thể tự đánh giá như thế nào là một nội dung tuyển dụng đủ hấp dẫn và hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm:
- Tiêu đề bài viết – bí kíp thành công cho các HR khi truyền thông
- Tìm kiếm ứng viên trên Linkedin – làm sao để hiệu quả?
- Ba xu hướng quản trị và hướng đi cho Employer Branding trong thập niên 2020
#1. Tiêu đề rất quan trọng
Tiêu đề là dòng chữ đầu tiên mà ứng viên nhìn vào. Một tiêu đề đủ sức hút sẽ gây tò mò và tạo ra sự hứng thú giúp người đọc tìm hiểu thêm về nội dung cụ thể bên dưới. Thậm chí đối với một người đang không có nhu cầu ứng tuyển đi chăng nữa, một tiêu đề bắt được cảm xúc cũng có thể tạo ra quyết định ứng tuyển từ người đó..
Lấy ví dụ về tiêu đề của vị trí nhân viên chăm sóc khách hàng, thay vì chỉ đơn thuần là câu “Tuyển nhân viên chăm sóc khách hàng” thông thường, chúng ta có thể biến tấu một chút thành câu “Bạn có phải là người mà chúng tôi đang tìm kiếm?!”. Cụm từ “bạn có phải” và “đang tìm kiếm” sẽ tạo cho người xem cảm giác đặc biệt, tò mò và liên quan đến mình. Dưới đây là một ví dụ khác về tiêu đề job post với yếu tố mô tả “lạ” và “gây tò mò” đến từ QSR Việt Nam.
Chỉ cần đưa ra một vài gợi ý ban đầu như thế, chúng ta cũng có thể tạo cảm giác tò mò giúp người đọc dừng lại tìm hiểu thêm.
Tương tự như những content khác trên mạng xã hội, đôi khi người xem chưa có nhu cầu ứng tuyển nhưng vì sự thu hút từ tiêu đề đến nội dung, họ sẵn sàng chia sẻ vì bản thân thấy thích thú hoặc hữu ích cho ai đó trong những kết nối của mình.
#2. Những lợi ích mà công việc mang lại
Nếu như tiêu đề của bạn đã gợi ý cho người xem những lợi ích mà công ty sẽ mang đến thì trong phần thân bài, hãy làm rõ những lợi ích ấy cũng như những mong đợi của bạn đối với ứng viên của mình. Tất cả mọi người đều quan tâm đến những gì mình sẽ nhận được, vì vậy, đừng ngần ngại liệt kê ra những phúc lợi khác biệt của công ty so với thị trường ngoài kia và đặt nó lên trên cùng. Điều này là để ứng viên có thể dễ dàng bị hấp dẫn và tăng khả năng mong muốn được trở thành một nhân tố của công ty.
Những lợi ích dường như rất bình thường như: làm việc từ xa, nói không với làm tăng ca, những chuyến đi trải nghiệm thực tế, hay vườn trẻ để đưa con cùng đi làm… sẽ là một trong những điểm khiến ứng viên thích thú về công ty bạn.
Với ví dụ dưới đây từ Việt Thái International Group, một lợi ích của công việc này đã được chọn làm điểm nhấn mà rất nhiều bạn trẻ tìm việc làm thêm thích thú chính là tốc độ từ ứng tuyển đến khi bắt đầu công việc:
Một điểm vô cùng quan trọng khác chính là bạn đừng nên quá tập trung vào những yêu cầu cứng nhắc hoặc khô khan của công việc mà quên đi yếu tố tinh thần và cảm xúc. Bất kể là quảng cáo về sản phẩm hay cho vị trí tuyển dụng, đối tượng mà bạn giao tiếp đều luôn xoay quanh con người. Giá trị lý tính có thể thu hút khiến ứng viên cân nhắc, và những giá trị cảm xúc sẽ thôi thúc họ quyết định.
#3. Văn phong phù hợp
Mặc dù yếu tố chuyên nghiệp và nghiêm túc là một trong những định vị quan trọng để tạo nên lòng tin trong mắt ứng viên về một môi trường làm việc chuẩn chỉnh, nhưng tuỳ vào vị trí, đối tượng truyền thông và tính chất công việc, bạn nên linh hoạt thay đổi văn phong của mình để tạo cảm giác gần gũi, và dễ dàng kết nối nhất.
Cùng tham khảo qua bài đăng tuyển MTP của FrieslandCampina nhé!
Với văn phong thân thuộc để nói lên những suy nghĩ của số đông những ngày đầu năm, và thêm thắt một số từ ngữ sinh động như trên, bài viết tạo ra cảm giác thân thiện, đồng thời giúp ứng viên “cảm” với những suy tư giống mình.
Tuy nhiên, đừng vì như vậy mà bắt ép nội dung của mình trở nên gượng gạo. Đối với những công việc mang tính cấp cao và đòi hỏi sự chuyên nghiệp nhất định, bạn không cần phải cố gắng để biến nó trở thành một bài đăng quá vui tươi hay dí dỏm mà có thể thêm vào một số từ ngữ như “đẳng cấp”, “xứng tầm”, “chủ lực”, … Tạo cho ứng viên cảm giác là một mảnh ghép quan trọng mà bạn đang tìm kiếm để hoàn thiện bức tranh thành công của tổ chức cũng là một cách để thuyết phục họ đến với công ty bạn. Có ai mà lại không muốn trở thành một phần nhỏ của những điều lớn lao?
#4. Những thông tin không thể thiếu
Cuối cùng, sau cả tiêu đề, lợi ích và ngữ điệu của bài viết, lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn rà soát lại toàn bộ những thông tin cần có của một tin tuyển dụng hoàn hảo. Những thông tin ấy có thể là:
- Thông tin công ty: tên, địa chỉ, website, thông tin liên hệ nếu có câu hỏi hay thắc mắc về vị trí tuyển dụng.
- Cung cấp vị trí làm việc: ứng viên sẽ làm việc ở đâu, tại bộ phận nào, báo cáo cho ai?
- Thông tin về lương thưởng: những tin tuyển dụng gắn mác “lương thoả thuận” thường tạo cho ứng viên cảm giác không đạt được mong đợi. Thay vào đó, hãy luôn rõ ràng minh bạch ngay từ ban đầu, điều này sẽ giúp họ có cái nhìn tổng quan và đánh giá được khối lượng công việc cũng như vai trò của mình trong công ty.
- Lợi ích nhận được: Như đã nói ở trên, đây là phần không thể thiếu để kết nối và giữ chân ứng viên trước và sau khi gia nhập tổ chức. Những lợi ích đánh trúng vào tâm lý của những người đang theo đuổi công việc đó sẽ là bước đệm khuyến khích nhân viên cống hiến hết mình cho tổ chức.
- Yêu cầu công việc: Một số gợi ý như “văn bằng, kinh nghiệm, tin học văn phòng…” luôn cần được nêu ra đối với những vị trí yêu cầu kinh nghiệm. Đối với các vị trí không yêu cầu kinh nghiệm, bạn cần phải nói rõ lộ trình đào tạo mà công ty có thể mang đến cho ứng viên ngay từ ban đầu, điều này sẽ giúp ứng viên ý thức được trách nhiệm của bản thân và đề ra kế hoạch học hỏi từ môi trường thực tiễn cho chính mình.
- Các tag từ khoá: đây là một “thủ thuật” đơn giản để bạn có thể mở rộng phạm vi tìm kiếm nhân sự. Hãy chú ý đến những từ khóa liên quan đến tên vị trí công việc, bao gồm cả những từ khóa mà ứng viên thường tìm kiếm về công việc. Càng nhiều keyword liên quan, khả năng ứng viên tiếp cận được đến bài viết của bạn sẽ càng cao.
Kết lại, một nội dung tuyển dụng đầy đủ thông tin và có chiều sâu sẽ tạo ra cảm hứng ứng tuyển cho người xem. Bạn có thể sẽ phải đi qua nhiều bước tìm hiểu và thử nghiệm để có thể thấu hiểu được ứng viên của mình mong đợi điều gì ở vị trí mà bạn đang tuyển dụng. Và trên hành trình dài đó, một Thương hiệu Nhà tuyển dụng uy tín và ấn tượng sẽ là một nền tảng vô cùng quan trọng mà bạn cần phải xây dựng cho tổ chức của mình.
Mọi nhu cầu tư vấn và triển khai Thương hiệu nhà tuyển dụng tại Việt Nam, xin vui lòng liên hệ Talent Brand qua email partner@talentbrand.vn hoặc hotline 0777 556 776.
* Hình ảnh trong bài là những sản phẩm Talent Brand từng thực hiện và được ghi nhận từ fanpage của khách hàng.
Nguồn tham khảo: HR Insider 4.0
Trường Thanh – Talent Brand Vietnam
Tham gia cộng đồng Employer Branding trên Linkedin và Facebook để cùng thảo luận về những chủ đề hấp dẫn và cập nhật thông tin hữu ích qua link sau:
Group Linkedin: http://bit.ly/3bGVAIp
Group FB: http://bit.ly/EmployerBrandingVN
Mọi nhu cầu tư vấn và triển khai Thương hiệu nhà tuyển dụng tại Việt Nam, xin vui lòng liên hệ Talent Brand qua email partner@talentbrand.vn hoặc hotline 0777 556 776.
Có thể bạn quan tâm:
- Danny và câu chuyện bén duyên cùng Talent Acquisition
- Cách Southwest Airlines làm Employer Branding
- Employee Generated Content: Đặc sản cho Employer Branding