Lương cảm xúc – Đòn bẩy thành công của Thương hiệu Nhà tuyển dụng
Trong thập niên 2020 này, cuộc chiến giành lấy nhân tài của các Nhà tuyển dụng không hề có dấu hiệu giảm nhiệt mà còn trở nên nóng hơn bao giờ hết bởi những biến động không ngừng trong xu hướng tìm kiếm việc làm đến từ cả thế hệ Millennials và thế hệ Z. Trong cuộc chiến đó, doanh nghiệp phải liên tục đánh giá lại những giá trị trong thương hiệu nhà tuyển dụng (Employer Branding) với những quyền lợi mà công ty có thể cung cấp trên thị trường tuyển dụng. Giờ đây, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể ý thức được rằng, các ứng viên không chỉ yêu cầu mức lương cụ thể về mặt vật chất mà song song đó, còn là những giá trị về mặt cảm xúc mà công ty có thể đáp ứng cho họ, chúng ta gọi đó là “Lương cảm xúc”.
“Lương cảm xúc” không phải là một khái niệm quá mới mẻ, nhưng là một thành tố quen thuộc vô cùng quan trọng trong quá trình tuyển dụng và giữ chân nhân viên. Vậy, lương cảm xúc thật sự là gì?
Lương cảm xúc là một phần nằm trong gói chi lương, bổ sung thêm giá trị cảm xúc và mang lại lợi ích cao hơn cho nhân viên khi ký kết hợp đồng lao động. Lương cảm xúc không phải là tiền. Nó thường được cung cấp thông qua các ưu đãi hoặc tặng vật. Lương cảm xúc có thể tạo nên sự khác biệt giữa một nhà tuyển dụng với các đối thủ cạnh tranh khác trên cùng một phân khúc thị trường lao động.
Có thể bạn quan tâm:
- 4 lưu ý để có một job post thu hút
- Cách Southwest Airlines làm Employer Branding
- Mô hình 5A hành trình của ứng viên trong Employer Branding
Trước đây, các công ty thường tổ chức những bữa ăn nhẹ hay tiệc liên hoan cuối năm như một hình thức của lương cảm xúc. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm này, điều đó đã không là “lực hấp dẫn” đủ mạnh để giữ chân nhân viên mà thay vào đó, Nhân sự cần có những khám phá mới mẻ, sáng tạo hơn, đi sâu vào từng ngóc ngách trong tâm lý của ứng viên để tìm hiểu điều họ thật sự mong cầu và đâu là điều mà doanh nghiệp có thể hiện thực hoá.
Để đánh giá mức lương cảm xúc một cách toàn diện, bao gồm 3 yếu tố sau đây:
- Khả năng phát triển bản thân và sự nghiệp trong tổ chức
- Phương pháp hỗ trợ nhân viên trong công việc và hiệu quả làm việc
- Phúc lợi về chăm sóc sức khỏe tại nơi làm việc
Dựa trên 3 yếu tố trên, chúng ta có thể phân loại một số kiểu “lương cảm xúc” điển hình mà các doanh nghiệp có thể linh hoạt tùy chỉnh để phù hợp với mô hình công ty và truyền thông cho Thương hiệu Nhà tuyển dụng của mình. Dưới đây là những mức “lương cảm xúc” hiện đang được xây dựng trên thị trường:
#1. Chế độ làm việc linh hoạt hoặc từ xa
Có một thực tế phũ phàng đang dần diễn ra trước mắt chúng ta là văn phòng truyền thống đang dần trở nên lỗi thời, thay vào đó là môi trường co-working (văn phòng dịch vụ) và làm việc tại nhà trở thành một trong những quyền lợi mấu chốt mà các ứng viên thời đại tìm kiếm. Đời sống công sở đang tạo ra nhiều bức bối và khiến nhân viên cảm thấy không thể thực sự tận hưởng trọn vẹn 8 giờ làm trong một ngày và điều đó gần như ảnh hưởng đến phần còn lại trong quỹ thời gian của họ.
Do đó, các doanh nghiệp có thể đề xuất với nhân viên của mình về thời gian hiện diện tại công ty, tuỳ theo tính chất công việc. Chẳng hạn, chúng ta có thể nói chuyện với nhân viên về thời gian kết thúc công việc sớm hơn hoặc hỗ trợ những buổi tập gym thư giãn sau giờ làm cũng là một giải pháp hiệu quả.
#2. Chương trình chăm sóc sức khoẻ và kế hoạch nghỉ hưu
Hiện tại, đây là kiểu lương cảm xúc được “thiết kế sẵn” như một phần không thể thiếu của doanh nghiệp. Nếu so với trước đây thì chương trình chăm sóc sức khoẻ và kế hoạch nghỉ hưu là một trong những tiêu chí hàng đầu để ứng viên quyết định có gia nhập một công ty hay không. Giờ đây, bên cạnh những yêu cầu cơ bản ấy, các doanh nghiệp nên bổ sung thêm những chương trình hỗ trợ về khám tổng quát định kỳ hoặc chăm sóc thai sản cho nhân viên nữ, đặc biệt là ở những khu vực chưa có điều kiện hỗ trợ mạnh mẽ cho họ những nhu cầu thiết yếu trên. Tại Việt Nam, kế hoạch nghỉ hưu chưa phải là câu chuyện đáng quan tâm nhưng các nhóm lợi ích về sức khỏe hiện đang được đa dạng hóa hơn rất nhiều như bao gồm hạng mục ung thư, hay các dịch vụ tư vấn trầm cảm sau sinh dành cho nhân viên vừa qua cơn sinh nở…
#3. Hỗ trợ phát triển và hoàn thiện cá nhân
Mục tiêu học tập suốt đời ngày càng trở nên quan trọng. Các nhà tuyển dụng cần đi trước một bước trong cuộc chơi, tạo ra những nỗ lực tài chính tốt nhất cho nhân viên về mặt này. Công ty có thể chủ động tạo ra các khóa huấn luyện, chương trình đào tạo nâng cao về chuyên môn, tổ chức các buổi chia sẻ về kỹ năng có thể chuyển đổi, cập nhật tình hình tổ chức và thị trường… để mang đến cho nhân viên cơ hội phát triển năng lực bản thân và nâng tầm sự nghiệp. Đây cũng là một phương pháp kích thích nhân viên tạo ra những giá trị đổi mới góp phần vào sự phát triển lâu dài của tổ chức.
#4. Nghỉ cuối tuần và các ngày phép bổ sung
Dù là bất cứ doanh nghiệp nào đi chăng nữa thì đều mong muốn nhân viên mình làm việc thật chăm chỉ. Vì thế, bổ sung thêm ngày phép nghe có vẻ như rất mâu thuẫn và dễ phát sinh tâm lý lười trong nhân viên. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, có thể thấy rằng khi nhân viên quá căng thẳng và mệt mỏi, điều này tác động rất lớn đến hiệu suất làm việc và kết quả đầu ra. Bằng cách xây dựng một chế độ nghỉ phép hợp lý, nhân viên của bạn hoàn toàn có thể nạp lại đủ năng lượng và sẵn sàng cho những nhiệm vụ mới hơn từ cấp trên của mình.
#5. Tiện nghi giải trí hoặc quyền lợi hội viên
Đây là một trong những kiểu “lương cảm xúc” được xem là điểm mấu chốt tạo nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực để xây dựng phòng tập gym, thư viện hay hồ bơi dành cho nhân viên của mình thư giãn sau giờ làm việc.
Mặt khác, dòng “lương cảm xúc” này vốn dĩ không cần báo trước mà hoàn toàn có thể được cung cấp bất ngờ thông qua những chương trình may mắn và trao tặng cho nhân viên của mình một vài giờ học thiền, vé xem phim hoặc voucher ăn uống gia đình. Đây được xem là một trong những giá trị cảm xúc thiết thực được nhân viên yêu thích.
#6. Chế độ chăm sóc con tại chỗ hoặc trợ cấp cho trẻ
Đối với các nhân viên đã có gia đình, tình hình chi phí chăm sóc trẻ và bảo mẫu thiếu kỹ năng như hiện nay là một vấn đề vô cùng nhức nhối và tạo thành trở lực, khiến họ phân tâm và không thể tập trung 100% vào công việc.
Để khắc phục tình trạng này, các doanh nghiệp có thể cung cấp các khoản trợ cấp/khen thưởng hay chế độ hỗ trợ con em nhân viên sẽ được đánh giá rất cao. Thử tưởng tượng, được mang theo con mình đến khu chăm sóc trẻ em tại công ty trong những trường hợp tăng ca đột xuất sẽ giúp các bậc phụ huynh an tâm hơn và cống hiến hết mình cho công ty như thế nào! Ví dụ điển hình và rõ nét là khi dịch bệnh bùng phát và diễn tiến phức tạp hay thay đổi trong lịch nghỉ hè của trẻ nhỏ chính là lúc loại lương cảm xúc này được quan tâm hơn bao giờ hết.
#7. Phương tiện đi lại
Công ty chịu trách nhiệm chuẩn bị phương tiện đi công tác, áp dụng phụ cấp xăng xe hoặc cấp xe công ty cho cá nhân tùy nghi sử dụng cũng là một dạng lương cảm xúc thường thấy. Bên cạnh đó, tùy theo tình hình tài chính, công ty cũng nên có những gói quyền lợi khác đi kèm, bao gồm bảo hiểm xe cộ, phí bảo trì và tiếp nhiên liệu.
#8. Các dịch vụ hỗ trợ khác
Tại các công ty lớn và chuyên nghiệp hơn, nhà tuyển dụng có thể tạo ra các gói dịch vụ hỗ trợ và chăm sóc nhân viên. Đó có thể đơn giản là việc gọi nước uống, đặt giúp suất ăn trưa, dịch vụ giao hàng/thuê xe, hỗ trợ tư vấn pháp lý, đầu mối thông tin liên lạc với các cơ quan, trung tâm… Thông qua những gói hỗ trợ nhỏ và chi tiết như trên, nhân viên có thể hiểu được sự quan tâm và mức độ coi trọng của một tổ chức dành cho mình và cảm thấy tự hào vì là một thành viên trong đó. Tất cả những dịch vụ nêu trên đều đóng góp không nhỏ vào quá trình xây dựng lòng trung thành của nhân viên đối với doanh nghiệp.
Tạm kết
Đối với thế hệ Millennials và thế hệ Z, điều mà họ thực sự tìm kiếm chính là một môi trường có thể mang lại cho họ sự hài lòng trong công việc và tạo cơ hội cho họ phát triển năng lực cá nhân của mình. Dù mức lương có cao đến mấy, trong trường hợp bị đánh giá thấp và không được đáp ứng về nhu cầu cảm xúc, họ có thể sẵn sàng rời đi. Nghiên cứu từ LinkedIn cho thấy 63% nói rằng những lợi ích này cực kỳ quan trọng trong việc thuyết phục họ cam kết với tổ chức.
Vì vậy, trong quá trình truyền thông Thương hiệu Nhà tuyển dụng, lương cảm xúc là một trong những giá trị tâm lý hàng đầu mà các doanh nghiệp cần đặt ra trước mắt các ứng viên của mình. Hãy cho họ thấy bạn có thể mang đến cho họ những trải nghiệm tốt nhất và vì sao năng lực của họ hoàn toàn xứng đáng với những gói quyền lợi được nêu ra.
Nguồn tham khảo: HR Insider 4.0
Trường Thanh | Khánh Hà – Talent Brand Vietnam
Tham gia cộng đồng Employer Branding trên Linkedin và Facebook để cùng thảo luận về những chủ đề hấp dẫn và cập nhật thông tin hữu ích qua link sau:
Group Linkedin: http://bit.ly/3bGVAIp
Group FB: http://bit.ly/EmployerBrandingVN
Mọi nhu cầu tư vấn và triển khai Thương hiệu nhà tuyển dụng tại Việt Nam, xin vui lòng liên hệ Talent Brand qua email partner@talentbrand.vn hoặc hotline 0777 556 776.
Có thể bạn quan tâm: