Thuật ngữ Định vị Thương hiệu (Brand Positioning) vốn đã xuất hiện từ năm 1960 nhằm chỉ những nỗ lực có chủ đích của doanh nghiệp để thiết lập vị trí đặc biệt cho thương hiệu của họ trong tâm trí đối tượng mục tiêu. Tương tự trong chiến lược Định vị Thương hiệu Nhà tuyển dụng (Employer Branding), làm sao để định vị những giá trị về môi trường làm việc trong lòng ứng viên, nhân viên, và cựu nhân viên cũng là một trong những mục tiêu quan trọng mà doanh nghiệp không thể bỏ qua.
Để có thể xác định được ưu thế và đẩy mạnh truyền thông định vị ấy đến với nhóm nhân tài mục tiêu, đầu tiên chúng ta cần hiểu những nhóm giá trị định vị Thương hiệu Nhà tuyển dụng bao gồm những gì. Mời Anh Chị cùng tham khảo mô hình 6 nhóm giá trị do Talent Brand phát triển dưới đây.
Có thể bạn quan tâm:
- 3 cách để duy trì tính linh hoạt cho Thương hiệu Nhà tuyển dụng
- Thu hút ứng viên thụ động: 6 phương thức sáng tạo cho nhà tuyển dụng
- Case Study: Cách Microsoft làm Employer Branding
Vị thế doanh nghiệp (Business Status)
Vị thế doanh nghiệp là một trong những thông tin quan trọng cho biết tình trạng hoạt động của một công ty, đó có thể là sự thành công trên thị trường, chiến lược phát triển bền vững, sự tăng trưởng ổn định, hoặc sức khỏe tài chính mạnh.
Trong đó, các ứng viên hàng đầu có nhiều khả năng sẽ tìm kiếm và cân nhắc các công ty tốt nhất mà họ được biết qua các giải thưởng về sản phẩm, thương hiệu, hay nơi làm việc. Một báo cáo của Gallup đã cho thấy rằng 8/10 người đi làm có xu hướng ứng tuyển vào doanh nghiệp đạt được những giải thưởng tương tự.
Ví dụ như Nestle Việt Nam vừa qua đã tiếp tục nằm trong top 3 nơi làm việc tốt nhất. Là thương hiệu quen thuộc với đông đảo cộng đồng thông qua những sản phẩm trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, Nestle Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ tích cực từ người đi làm hiện đại bởi sản phẩm chất lượng, quy mô toàn cầu và môi trường làm việc có thể khơi dậy tài năng bên trong mỗi người.
Tôn chỉ công ty (Company Credo)
Để cấu thành nên một Thương hiệu Nhà tuyển dụng thật sự mạnh mẽ, nhóm giá trị quan trọng tiếp theo chính là tôn chỉ công ty. Thông thường, tôn chỉ công ty bao gồm mục đích ra đời, tầm nhìn – sứ mệnh truyền cảm hứng, tinh thần hướng đến khách hàng, trách nhiệm xã hội, và cả những tiêu chuẩn cao về đạo đức.
Ví dụ như tuyên bố sứ mệnh của Teach for America: “Một ngày nào đó, tất cả những đứa trẻ trên đất nước này sẽ có cơ hội sở hữu một nền giáo dục xuất sắc.”
Bằng cách sử dụng tuyên bố này như kim chỉ nam, Teach for America sau đó đã có thể kể câu chuyện Thương hiệu Nhà tuyển dụng một cách thật thu hút trên trang web của mình. Họ cam kết mang đến cho nhân viên của mình cơ hội học hỏi liên tục và nói rằng: “Chúng tôi làm việc dựa trên sự tò mò và nắm bắt những ý tưởng đổi mới. Chúng tôi chấp nhận rủi ro và học hỏi từ những thành công, thất bại, và lẫn nhau.”
Bằng cách này, họ đã đồng nhất sứ mệnh và câu chuyện Thương hiệu Nhà tuyển dụng của mình làm một để truyền đạt một thông điệp duy nhất: mang đến nền giáo dục tuyệt vời từ trong nội bộ và cả ngôi trường mà những học trò có thể chính là con của các thành viên Teach for America.
Lãnh đạo (Leadership)
Tại rất nhiều doanh nghiệp, lãnh đạo chính là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút ứng viên và giữ chân nhân tài, nhưng cũng không ít doanh nghiệp chứng kiến nhiều nhân viên quyết định rời đi cũng vì lãnh đạo.
Những khía cạnh mà ứng viên tìm kiếm ở lãnh đạo tại doanh nghiệp có thể là tầm nhìn truyền cảm hứng, phong cách lãnh đạo phù hợp, khả năng trao quyền, hoặc cách làm việc phối hợp hiệu quả với cấp dưới.
Morgan Hoogvelt, Giám đốc Toàn cầu về Thu hút Nhân tài tại ESAB – doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hàn lớn nhất trên toàn cầu nói rằng:
Khi lòng tin giữa nhân viên và lãnh đạo được vững chắc, điều đó sẽ cải thiện chất lượng phản hồi về trải nghiệm nhân viên cũng như Thương hiệu Nhà tuyển dụng.
Văn hóa làm việc (Working culture)
Trong thế giới số hóa và thông tin đa chiều ngày nay, Thương hiệu Nhà tuyển dụng không thể che giấu văn hóa làm việc thực tế của mình. Rất nhiều trang web như Glassdoor và Indeed cung cấp cho người đi làm một diễn đàn ẩn danh và được bảo vệ để chia sẻ cuộc sống thực sự mà họ đang trải nghiệm tại nơi làm việc.
Văn hóa nơi làm việc hiện đang được trưng bày cho tất cả mọi người cùng xem.
Có rất nhiều tính từ mà doanh nghiệp hiện đang sử dụng phổ biến để mô tả văn hóa làm việc của tổ chức, chẳng hạn như: Quan tâm & tôn trọng, Đa dạng & hòa hợp, Sáng tạo & Cởi mở, Đổi mới & Không ngừng cải tiến… Thế nhưng cách doanh nghiệp hành động để mang đến những trải nghiệm đúng nghĩa cho nhân viên của mình vẫn chưa được hoàn thiện.
Để giữ cho các giá trị văn hóa của bạn luôn hiện hữu trong tâm trí nhân viên, bạn cần vượt ra khỏi câu khẩu hiệu truyền thống và những bài phát biểu tạo động lực để tiến đến hoạt động hằng ngày.
Dưới đây là một số gợi ý:
- Chia sẻ về văn hóa trong các cuộc họp, các buổi đào tạo hoặc thậm chí là vào thứ Sáu mỗi tuần
- Trao quyền cho nhân viên nói về tổ chức với bên ngoài để tăng thêm uy tín, tính xác thực và giá trị cho các cuộc trò chuyện về thương hiệu
- Truyền thông về những câu chuyện có thật và khuyến khích nhân viên thay mặt lãnh đạo truyền cảm hứng cho các thành viên khác
Doanh nghiệp cần hướng vào bên trong để nhìn nhận loại hình văn hóa nào đang diễn ra bên trong tổ chức và điều chỉnh nó. Doanh nghiệp của bạn sẽ tự tin hơn trong truyền thông Thương hiệu Nhà tuyển dụng khi và chỉ khi bạn có minh chứng cụ thể để thuyết phục ứng viên tiềm năng lựa chọn doanh nghiệp của mình.
Phúc lợi toàn diện (Total Rewards)
Phúc lợi toàn diện được xem là một khái niệm nâng cấp của Lương & Phúc lợi truyền thống. Trong đó, những thành phần được ứng viên chú trọng có thể kể đến là lương căn bản cạnh tranh, phúc lợi đa dạng và chính sách ghi nhận – tưởng thưởng thu hút, v.v…
Mặc dù phúc lợi tài chính là cần thiết, nhưng nghiên cứu của Mercer nhấn mạnh rằng những phúc lợi phi tài chính cũng quan trọng không kém với người đi làm hiện nay. Các ví dụ thực tiễn bao gồm: giới thiệu ứng viên có thưởng, đầu tư vào các học phần phát triển nghề nghiệp và cung cấp e-vouchers đa dạng.
Theo đó, trong báo cáo của Vietnamworks về “Những yếu tố người tìm việc quan tâm đối với Thương hiệu Tuyển dụng vào tháng 5 năm nay, “Phúc lợi nhân viên” đứng ở vị trí thứ 3 trong nhóm yếu tố thu hút và giữ chân nhân tài. (trung bình 41.1% đánh giá là hoàn toàn quan trọng)
Học hỏi & Phát triển (Learning & Development)
Nhóm yếu tố này khá quen thuộc trong một môi trường làm việc và thường sẽ được cung cấp cho nhân viên qua nhiều hình thức khác nhau. Một số định hướng mà doanh nghiệp có thể tập trung:
- Công việc thử thách để phát triển
- Cơ hội làm việc với đồng nghiệp tài năng
- Nhiều hình thức học tập đa dạng
- Khuyến khích thăng tiến nội bộ
- Cơ hội công tác & làm việc ở nước ngoài
Theo Heidi Collins – Phó Chủ tịch của phòng Điều hành Nhân sự tại 15Five (công cụ gắn kết & thúc đẩy nhân viên) chia sẻ:
Học hỏi và phát triển luôn là con đường hai chiều. Do đó, nhân viên phải hiểu một cách sâu rộng nhu cầu phát triển và cụ thể là nó sẽ giúp họ thành công như thế nào trong tổ chức. Đổi lại, công ty nên cởi mở về chiến lược của mình, đặt ra kỳ vọng rõ ràng cho nhân viên và cung cấp nền tảng hoặc phương tiện cho phép mọi người tiến bộ dựa trên chiến lược đề ra.
Tạm kết
Doanh nghiệp không nhất thiết và cũng không thể tập trung nguồn lực để thúc đẩy toàn bộ 6 nhóm yếu tố trên để định vị Employer Brand. Thay vào đó, chúng ta có thể thiết lập chiến lược ở từng nhóm giá trị phù hợp dựa trên sự thấu hiểu nhu cầu nhân viên và ứng viên ở từng thời điểm.
Mong rằng những chia sẻ trên sẽ hữu ích cho Anh Chị trong quá trình xác định những giá trị khác biệt thực tại của doanh nghiệp và triển khai chiến lược Định vị Thương hiệu Nhà tuyển dụng hiệu quả hơn.
Trường Thanh – Talent Brand Vietnam
Kết nối với chúng tôi tại đây hoặc tham gia cộng đồng Employer Branding để cùng thảo luận về những chủ đề hấp dẫn và cập nhật thông tin hữu ích.
Bạn cũng có thể tìm hiểu về khóa học Employer Branding 101 qua link sau: https://talentbrand.vn/employer-branding-training/
Mọi nhu cầu tư vấn và triển khai Thương hiệu nhà tuyển dụng tại Việt Nam, xin vui lòng liên hệ Talent Brand qua email partner@talentbrand.vn hoặc hotline 0777 556 776.