Ba xu hướng quản trị và hướng đi Employer Branding trong thập kỷ 2020
Bill Gates từng viết trong cuốn sách The Road Ahead (Con đường phía trước): “Chúng ta luôn đánh giá quá cao những thay đổi sẽ diễn ra trong hai năm tiếp theo, nhưng lại đánh giá thấp những thay đổi sẽ xảy đến trong 10 năm tới.” Năm 2020 đánh dấu sự khởi đầu của một thập niên hoàn toàn mới, lãnh đạo doanh nghiệp cần phải chuẩn bị những hướng đi Employer Branding nào ở chu kỳ 10 năm tiếp theo này?
Sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0 đã kéo theo rất nhiều những bước phát triển vượt trội và dần chiếm lĩnh mọi hoạt động trên thị trường, thậm chí là trong chính nơi làm việc. Những thay đổi của cuộc cách mạng này đang diễn ra nhanh và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thực trạng này đã đưa các nhà lãnh đạo đến một câu hỏi hóc búa: “Làm thế nào để ứng dụng sự vượt trội của công nghệ vào việc phát triển tổ chức và đào tạo con người?”
Trước hết, các doanh nghiệp cần nhận thức được rằng “tương lai của việc làm” không còn là một viễn cảnh được dự đoán mà nó đang diễn ra ngay ở hiện tại. Sau đây, cùng tìm hiểu ba xu thế nổi bật mà các doanh nghiệp cần chú trọng và phát huy trong thập niên mới 2020.
#1.Sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI)
Hiện tại khoảng 37% các công ty đã và đang ứng dụng công nghệ này dưới nhiều hình thức. Tập đoàn khách sạn Hilton International đang sử dụng chatbot và nền tảng phỏng vấn dựa trên công nghệ AI trong quy trình tuyển dụng. Gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon đang dùng hơn 200.000 robot trong các nhà kho. Chuỗi pizza Domino’s cũng đang ứng dụng các công cụ AI để giám sát những nhân viên làm pizza tại Úc và New Zealand.
CEO của Tech Mahindra nhận định, “Chúng ta cần nhớ rằng đến sau cùng, con người vẫn là người kiểm soát mọi sự.”, tuy nhiên dự báo đến năm 2030, 70% các doanh nghiệp sẽ ứng dụng ít nhất một loại hình AI, theo kết quả nghiên cứu của McKinsey. Theo đó, 72% giám đốc tin rằng AI sẽ trở thành “lợi thế của công ty trong tương lai”, cho thấy mức độ ảnh hưởng của AI lên doanh nghiệp là toàn diện về mọi mặt, bao gồm chuỗi cung ứng, quy trình chăm sóc khách hàng và thậm chí là tuyển dụng.
Đặc biệt là trong xu hướng thu hút nhân tài bằng Employer Branding (Thương hiệu Nhà tuyển dụng), trí tuệ nhân tạo – AI đang góp phần vào hàng loạt các công cụ đánh giá và nhận diện ứng viên tiềm năng, hứa hẹn giúp các doanh nghiệp tối ưu quá trình tuyển dụng, cải thiện trải nghiệm ứng viên và nâng cao khả năng tìm nhân tài phù hợp.
#2. Làm việc có mục đích
Trong thập niên tiếp theo, các lãnh đạo cần phải đan cài mục đích vào mọi mặt của doanh nghiệp, bởi lẽ 87% những người trẻ thuộc thế hệ millennials (thế hệ sinh từ năm 1980 tới 1996) – thế hệ lao động chủ lực hiện tại tin rằng “thành công của công ty không chỉ nên đong đếm bằng lợi nhuận.”
Từ việc lắng nghe ý kiến của thế hệ kể trên, quản lý cấp cao tại các doanh nghiệp cần đề ra tầm nhìn cũng như kế hoạch dài hạn một cách cụ thể và rõ ràng. Đồng thời, lãnh đạo cũng cần làm rõ mong đợi của tổ chức trong nội bộ nhân viên, bởi vì họ chính là người trực tiếp quyết định sự thành công và đúng đắn của một chiến lược.
Dưới đây là một số những gợi ý để tìm kiếm mục đích thực tiễn và khả thi cho các doanh nghiệp trong năm 2020:
- Thay đổi tư duy trong quá trình đề ra chiến lược
- Thường xuyên kiểm tra tình trạng doanh nghiệp
- Tái khám phá những giá trị cốt lõi của công ty
- Áp dụng công thức “5 Whys” vào lộ trình phát triển:
1. Tại sao công ty phải thực hiện định hướng này?
2. Tại sao nhân viên cần phải phát triển theo định hướng trên?
3. Tại sao khách hàng cần sản phẩm/dịch vụ của công ty?
4. Tại sao khách hàng luôn muốn có trải nghiệm A/B/C?
5. Tại sao tổ chức cần mang đến trải nghiệm đó?
Bằng cách thực hiện và rà soát lại tất cả những hoạt động của doanh nghiệp một cách cởi mở và toàn diện, các lãnh đạo sẽ nhanh chóng tìm ra phương hướng làm việc phù hợp và đúng đắn để dẫn dắt tập thể ngày một phát triển hơn.
Theo xu hướng này, thông điệp của Employer Branding nên được cân nhắc hướng đến những giá trị có ý nghĩa của một tổ chức thay vì quá tập trung vào phúc lợi, hay đào tạo & phát triển như hiện nay. Vì suy cho cùng, một thương hiệu nhà tuyển dụng thu hút và gắn kết được nhân tài phải chứa đựng điều mà một người đi làm đang tìm kiếm, dù có thể họ chưa nói ra, và tiêu chí đó chính là: “Làm việc vì một mục đích cao đẹp có ý nghĩa” như đang đề cập ở đây.
#3.Tầm quan trọng của trải nghiệm nhân viên
Đây là xu hướng cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng bởi vì trong thập niên tới đây, các doanh nghiệp có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nhân tài. Chính vì lý do đó, trải nghiệm nhân viên và thu hút ứng viên là 2 yếu tố cực kỳ quan trọng mà các doanh nghiệp cần chú trọng trong quá trình triển khai Thương hiệu Nhà tuyển dụng của mình.
Trải nghiệm nhân viên có thể liên quan đến nhiều yếu tố, bao gồm không gian làm việc, chỉ số cảm xúc và phúc lợi hữu hình dành cho các thành viên. Nhân viên của thời đại mới đã không còn đơn thuần chú trọng vào mức thu nhập và những phúc lợi được cam kết, mà còn là giá trị tinh thần, giá trị cá nhân và đời sống sức khoẻ.
Theo báo cáo Xu hướng nhân lực 2019 của Deloitte, 84% những người tham gia khảo sát xác định trải nghiệm nhân viên là vấn đề quan trọng, trong khi 28% cho rằng đây là “vấn đề bức thiết”.
Đề cập đến yếu tố thu hút ứng viên, chúng ta cần nhìn nhận đến thế hệ Z (những người sinh sau năm 1996) gia nhập lực lượng lao động toàn cầu trong tương lai. Họ là ai trong mắc xích nhân sự của thập kỷ mới?
“Thế hệ Z tìm kiếm những người lãnh đạo đáng tin cậy, ủng hộ mọi nhu cầu của họ và thể hiện sự quan tâm trên cương vị người với người, chứ không chỉ cấp trên và nhân viên,” Dan Schawel, giám đốc nghiên cứu Future of Workplace cho biết. “Tập trung vào nhu cầu thường nhật của thế hệ Z là cách tốt nhất để xác định những gì họ cần tại nơi làm việc.”
Từ tất cả những thông tin thu thập được, doanh nghiệp cần thiết kế một chiến lược Thương hiệu Nhà tuyển dụng kết hợp cả 2 yếu tố trên, sự phối hợp ăn ý giữa truyền thông nội bộ và truyền thông bên ngoài sẽ tạo được lòng tin và sự cam kết của nhân viên đối với doanh nghiệp. Song song đó, doanh nghiệp có thể sử dụng chính những thành quả đó để thu hút nhân tài đến với công ty.
Nói tóm lại, ba xu hướng vừa nêu trên đều nhận định sẽ mang đến tầm ảnh hưởng không hề nhỏ trên con đường phát triển của một tổ chức hay doanh nghiệp. Trong đó, sự ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 không hề làm tầm quan trọng của con người giảm đi mà thay vào đó, nhu cầu về quản trị nguồn nhân lực càng trở nên bức thiết hơn cả. Để có thể thành công xây dựng đội ngũ nhân lực được trang bị đầy đủ kiến thức và trí lực, có khả năng phục vụ lâu dài cho công ty, việc ứng dụng cả 3 xu hướng trên vào việc xây dựng Thương hiệu Nhà tuyển dụng là điều tất yếu.
Mong rằng với những chia sẻ hữu ích trên, các lãnh đạo có thể nhìn được bức tranh toàn diện về doanh nghiệp của mình cũng như tìm ra phương án đầu tư tối ưu nhất.
Nguồn tham khảo: Forbes Việt Nam
Trường Thanh – Talent Brand Vietnam
Tham gia cộng đồng Employer Branding trên Linkedin và Facebook để cùng thảo luận về những chủ đề hấp dẫn và cập nhật thông tin hữu ích qua link sau:
Group Linkedin: http://bit.ly/3bGVAIp
Group FB: http://bit.ly/EmployerBrandingVN
Mọi nhu cầu tư vấn và triển khai Thương hiệu nhà tuyển dụng tại Việt Nam, xin vui lòng liên hệ Talent Brand qua email partner@talentbrand.vn hoặc hotline 0777 556 776.
Có thể bạn quan tâm: