Employer Branding có thành công hay không sẽ được quyết định bởi cả hai tố chất Nhân Sự (HR) và Marketing trong bạn. Và khi nhà tuyển dụng được sở hữu các kỹ năng marketing, họ sẽ như “hổ thêm cánh”. Chiếc cầu tuyệt vời kết nối công ty và ứng viên, bắt nhịp bởi các công cụ truyền thông và tỏa sáng bằng chính khả năng sáng tạo của những chuyên viên tuyển dụng. Để có được kỹ năng này và thể hiện hiệu quả trong công việc tuyển dụng, trước hết bạn cần suy nghĩ như một marketer chuyên nghiệp. Hãy thử cùng Talent Brand Vietnam xem góc nhìn của một marketer đối với quy trình tuyển dụng như thế nào nhé!
Xem thêm: Employer Branding là gì?
Thứ nhất, sản phẩm cần truyền thông của bạn là gì? Nhiều HR sẽ nghĩ ngay đến vị trí đang cần tuyển dụng. Vậy đã đủ chưa? Nghĩ xa hơn, sản phẩm của nhà tuyển dụng chính là các giá trị Employee Value Proposition (EVP) mà bạn gửi đến ứng viên của mình. Không chỉ truyền thông cho bảng mô tả công việc, hãy nghĩ đến những giá trị mà ứng viên có thể nhận được khi nộp đơn vào vị trí này. Ví dụ như EVP của McDonald hay sản phẩm truyền thông rất thành công của họ đến nhân viên và ứng viên gồm ba giá trị sau:
- GIA ĐÌNH / BẠN BÈ: Tôi làm việc trong một môi trường vui vẻ, tràn đầy sức sống, nơi mọi người cảm thấy mình là một phần của tập thể.
- LINH HOẠT: Tôi có một công việc đầy thách thức, đa dạng và linh hoạt phù hợp với phong cách sống của riêng mình.
- TƯƠNG LAI: Tôi có cơ hội để phát triển và tiến bộ bằng cách học thêm những kỹ năng mới cho cá nhân và công việc mà sẽ tôi có thể sử dụng đến suốt đời, bất kể sau này tôi có chọn làm một công việc khác.
Thứ hai, khách hàng tiềm năng của bạn đang ở đâu? Các ứng viên của bạn thường tìm thông tin việc làm và doanh nghiệp ở đâu? Google hay các kênh tuyển dụng trực tuyến? Họ tin tưởng các vị trí tuyển trên Linkedin, các cộng đồng, forum nổi tiếng hay trên các group tuyển dụng của Facebook? Để bán được một sản phẩm, doanh nghiệp phải gửi thông điệp qua đúng kênh đến đúng đối tượng khách hàng tiềm năng. Tương tự vậy, với mỗi vị trí tuyển dụng và yêu cầu công việc khác nhau, bạn sẽ phải lựa chọn được kênh truyền thông phù hợp với nhóm ứng viên đó. Các vị trí cấp cao sẽ dễ tìm được trên Linkedin hơn là Facebook. Các vị trí cần tuyển số lượng lớn như nhân viên thu hồi nợ, nhân viên telesales, nhân viên bán hàng có thể tìm trên các Group Facebook hay các cộng đồng tìm việc rất sôi động như hiện nay.
Thứ ba, các thủ thuật marketing bạn có thể áp dụng là gì? Nhà tuyển dụng sẽ nghe đâu đó các thủ thuật như: tạo một trang về sản phẩm trên website, chiến lược đăng các bài truyền thông về sản phẩm trên mạng, tạo một chiến dịch trên mạng xã hội, tham gia vào các cộng đồng liên quan đến sản phẩm của mình. Tùy từng mục đích, bạn sẽ có các thủ thuật sáng tạo cho riêng mình. Ngày nay các giải pháp marketing không chỉ còn gói gọn trong online, hoặc offline nhưng là sự phức hợp để có thể tiếp cận tốt nhất tới đối tượng, ví dụ như các hoạt động truyền thông online và tích hợp tại trang web nghề nghiệp, sau đó dẫn khách đến sự kiện trực tiếp và kết hợp với báo chí truyền thống để tạo ảnh hưởng sau sự kiện…
Thứ tư, cách thức nào đo lường cho chiến dịch của bạn? Mọi kết quả đầu tư đều phải được đo lường bằng con số cụ thể. Nhà marketing quan tâm đến số sản phẩm được bán ra cũng như chi phí truyền thông đã sử dụng cho chiến dịch. Nhà tuyển dụng tương tự cũng sẽ theo dõi kết quả qua từng tiêu chí cụ thể như số lượng người ứng tuyển, thời gian tuyển dụng, chất lượng ứng viên và chi phí sử dụng để truyền thông… Với các số liệu có được, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá được hiệu quả và có kế hoạch tối ưu hơn trong những chiến dịch tiếp theo.
Cái nhìn của một Marketer không chỉ mang lại màu sắc thú vị cho công việc của một chuyên viên Nhân sự, nhưng còn là bước đột phá mang lại hiệu quả công việc gấp nhiều lần cho doanh nghiệp. Chúc các nhà tuyển dụng kiêm marketing sẽ có một tuần làm việc thật hiệu quả.
RUBY NGUYEN