Hội chứng “burnout” (Burnout syndrome) là một thuật ngữ tâm lý, nó miêu tả tình trạng kiệt quệ, mệt mỏi và dẫn đến việc giảm sút năng suất lao động của nhân viên. Trong hoàn cảnh dịch bệnh phức tạp. nhân viên buộc phải làm việc tại nhà và điều này dễ khiến họ cảm thấy căng thẳng khi đối diện với những vấn đề phát sinh từ hình thức làm việc mới mẻ này.
Không may hội chứng “burnout” lại giống như “cơn cháy rừng”, rất dễ lây lan đến tập thể. Nếu tình trạng căng thẳng này kéo dài có thể dẫn nhân viên đến quyết định nghỉ việc, rời bỏ tổ chức. Vì vậy. việc hỗ trợ nhân viên vượt qua hội chứng “burnout” nên là ưu tiên hàng đầu với các nhà quản trị nhân sự trong mùa dịch.
Sau đây là những dấu hiệu, nguyên nhân các giải pháp cho hội chứng “burnout” ở nhân viên khi làm việc từ xa.
Có thể bạn quan tâm
- 4 bước tối ưu hóa hiệu quả làm việc từ xa của nhân viên trong mùa dịch
- Phỏng vấn video trong mùa dịch
- Truyền thông nội bộ mùa dịch: 10 lưu ý HR cần biết
3 dấu hiệu thường gặp của hội chứng “burnout” của nhân viên khi làm việc từ xa
1. Biểu hiện uể oải, lơ đãng và căng thẳng
Giọng điệu của nhân viên khi trả lời cuộc gọi của bạn hay cả cách họ trả lời tin nhắn công việc sẽ phần nào thể hiện được trạng thái hiện tại của họ. Nếu phát hiện nhân viên có vẻ cáu kỉnh hơn bình thường hay có biểu hiện chán nản, lơ là công việc hãy nhanh chóng liên hệ tìm hiểu nguyên nhân để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ những vấn đề họ đang gặp phải khi làm việc từ xa.
2. Thường xuyên vắng mặt
Có một mối tương quan trực tiếp giữa tình trạng kiệt sức với sự vắng mặt của nhân viên trong công việc. Những lần vắng họp online hay các tin nhắn công việc mất nhiều thời gian để được phản hồi đều là những biểu hiện đáng quan ngại trong công việc, điều này lâu dài sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả cũng như tinh thần làm việc chung của tập thể. Nhà quản lý cần tìm hiểu rõ nguyên nhân của những biểu hiện trên vì nếu nhân viên thường xuyên vắng mặt, có thể là do họ đang cần một giải pháp để lấy lại niềm vui, hứng thú với công việc hiện tại.
3. Giảm năng suất
Nếu hiệu quả làm việc của nhân viên bắt đầu suy giảm, thể hiện qua các vấn đề phát sinh như: trễ deadline, sản phẩm làm ra cần phải được chỉnh sửa nhiều lần để hoàn thiện… đó cũng có thể là các dấu hiệu của hội chứng “burnout”. Tuy nhiên, điều này cũng có thể xuất phát từ những trở ngại khi làm việc từ xa như sự truyền đạt thông tin không rõ ràng giữa các thành viên trong nhóm dẫn đến việc không hiểu ý nhau được như khi trao đổi, chỉ dẫn trực tiếp.
3 nguyên nhân của hội chứng “burnout” của nhân viên khi làm việc từ xa
1. Sự hỗ trợ và công nhận chưa thích đáng từ người quản lý
67% nhân viên cảm thấy gắn bó hơn khi họ nhận được sự hỗ trợ từ nhà quản lý. Việc nhà quản lý giải đáp thắc mắc kịp thời và quan tâm thường xuyên sẽ mang lại cho nhân viên cảm giác an toàn và tự tin hơn trong công việc.
Tuy nhiên sự hỗ trợ này cần có chừng mực do nhân viên cũng cần được trao quyền để có thể tự do sáng tạo, thể hiện bản thân. Môi trường làm việc quá khuôn phép hay hành động nhất nhất “cầm tay chỉ việc” từ nhà quản lý có thể gây phản tác dụng khi khiến nhân viên cảm thấy không được tự do và tin tưởng bởi tổ chức.
Việc công nhận thành tích cũng đóng vai trò quan trọng trong việc gắn kết nhân viên. Trên thực tế, 43% nhân viên nói rằng cảm giác được công ty đánh giá cao sẽ làm tăng sự tự tin của họ trong công việc. Việc không được công nhận sẽ khiến nhân viên cảm thấy thiếu động lực, không thể phát huy hết khả năng của bản thân, dẫn đến họ sẽ có nhu cầu tìm một nơi làm việc mới để được chào đón và trân trọng.
2. Mục tiêu công việc mơ hồ hay xa vời
Khi làm việc từ xa, nhân viên sẽ dễ có cảm giác khối lượng công việc của bản thân trở nên nhiều hơn bình thường vì khi đó họ phải làm việc một mình mà không có những người đồng đội bên cạnh chia sẻ cùng họ, điều này dễ khiến họ cảm thấy kiệt sức.
Đồng thời, hình thức làm việc mới gây nhiều khó khăn, cần nhiều thời gian để thích ứng nhưng mục tiêu công việc đề ra lại quá cao sẽ khiến nhân viên cảm thấy chán nản, căng thẳng như việc tham gia một cuộc chạy marathon mà không có vạch đích trước mắt. Họ sẽ vật lộn trong việc làm chủ công việc của mình và việc đạt được kỳ vọng từ nhà quản lý. Điều này làm tăng nguy cơ kiệt sức và nghỉ việc ở nhân viên.
3. Áp lực từ làm việc tại nhà
Khi phải làm việc tại nhà, nhân viên khó có thể phân tách rõ ràng thời gian dành cho công việc và thời gian dành cho bản thân để nghỉ ngơi, thư giãn. Những đầu công việc có thể đến thường xuyên hơn khi ai cũng có suy nghĩ rằng khi làm việc tại nhà thì nhân viên sẽ có nhiều thời gian hơn để xử lý công việc. Điều này khiến nhân viên khó có thể kiểm soát tổng thời gian cho công việc dẫn đến họ làm việc nhiều hơn và thêm căng thẳng.
Nhà cũng không phải là nơi làm việc lý tưởng khi nhân viên sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động xung quanh như các công việc nhà cần được giải quyết, hay người nhà ra vào trò chuyện khiến nhân viên bạn khó lòng tập trung trong quá trình làm việc.
3 giải pháp cho hội chứng “burnout” của nhân viên khi làm việc từ xa
Tiếp nối những giải pháp làm việc từ xa hiệu quả đã được Talent Brand tổng hợp trong bài blog: 4 bước tối ưu hóa hiệu quả làm việc từ xa của nhân viên trong mùa dịch, sau đây là các giải pháp các nhà quản trị nhân sự có thể cân nhắc bổ sung để ngăn chặn hội chứng “burnout” của nhân viên khi làm việc từ xa.
1. Đề xuất các khoảng nghỉ ngơi hợp lý
Một số nhân viên thường bị áp lực về việc họ phải thể hiện tốt trong công việc hay nỗi sợ bị tụt lại phía sau so với đồng nghiệp. Vì vậy nhà quản lý nên đề xuất các khoảng nghỉ ngơi hợp lý xen kẽ vào thời gian làm việc để tạo điều kiện cho nhân viên thả lỏng, giảm bớt sự căng thẳng trong công việc.
Ví dụ, trước mỗi ngày làm việc, bạn có thể tập hợp toàn bộ nhân viên tham gia một buổi thiền ảo. Khoản thời gian này giúp nhân viên có thể bình tĩnh sắp xếp tuần tự các đầu việc họ phải hoàn thành trong ngày, lấy lại năng lượng tích cực cũng như nâng cao sức khỏe tinh thần để bắt đầu một ngày làm việc hiệu quả.
Việc kết hợp các hoạt động chăm sóc sức khỏe vào thời gian làm việc giúp nhân viên nhận ra họ có thể dành thời gian để phục hồi năng lượng và tổ chức cho họ một môi trường làm việc lành mạnh – nơi các nhà quản lý không chỉ chú trọng hiệu quả công việc mà còn rất quan tâm đến sức khỏe tinh thần nhân viên.
2. Áp dụng công nghệ để kiểm soát công việc
Việc nhờ đến sự hỗ trợ của công nghệ để kiểm soát công việc cho nhân viên cũng là một phương án hiệu quả.
Nhà quản lý có thể giới thiệu cho nhân viên các ứng dụng hỗ trợ họ trong việc quản lý công việc để giảm bớt căng thẳng khi làm việc từ xa như: ứng dụng giúp lập danh sách công việc cá nhân – Google Calendar, Notion,…hay ứng dụng giúp nhân viên tập trung, tránh xao nhãng bởi điện thoại di động như Forest – khi bạn tập trung làm việc trong thời gian quy định, bạn sẽ trồng thêm được một cái cây, thật phù hợp với những người yêu môi trường đúng không nào? Đồng thời nhân viên có thể cài chuông báo hết giờ làm việc để không bị làm việc quá mức khi làm việc từ xa, giúp họ cân bằng giữa thời gian cho công việc và thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.
3. Khích lệ bằng phần thưởng
Ngoài việc công nhận nhân viên hoàn thành tốt công việc bằng lời khen, hãy khích lệ họ bằng phần thưởng xứng đáng. Việc nhận lương thưởng “hoa hồng” thường phổ biến ở các nhóm bán hàng, tuy nhiên việc này cũng sẽ phát huy tác dụng tốt trong việc nâng cao tinh thần nhân viên khi được áp dụng dù ở bộ phận nào trong tổ chức. Phần thưởng sẽ khiến nhân viên cảm thấy được đánh giá cao và gia tăng cảm giác tự hào về công việc của mình.
Phần thưởng không nhất thiết mang giá trị quá cao, có thể là một voucher mua sắm tại cửa hàng nhân viên yêu thích hay cơ hội tham gia một khóa học, sự kiện thú vị trong ngành mà nhân viên hứng thú.
Hãy gây ấn tượng với nhân viên không chỉ ở phần thưởng mà ở ngay cách bạn trao tặng phần thưởng đó đến họ. Khi xác định phần thưởng cho cá nhân, đừng ngần ngại hãy hỏi nhân viên điều họ thích nhất. Khi được trao quyền đưa ra quyết định, nhân viên sẽ cảm thấy họ được làm việc trong một môi trường bình đẳng – nơi họ có tiếng nói và được nhà quản lý quan tâm, tôn trọng. Điều này giúp nâng cao tinh thần làm việc ở nhân viên, tốt đẹp hóa trải nghiệm làm việc và tăng mức độ gắn kết của họ với tổ chức.
Tham khảo: builtin.com
Chuyển thể: Hồng Duyên – Talent Brand Vietnam
Kết nối với chúng tôi tại đây hoặc tham gia cộng đồng Employer Branding để cùng thảo luận về những chủ đề hấp dẫn và cập nhật thông tin hữu ích.
Bạn cũng có thể tìm hiểu về khóa học Employer Branding 101 qua link sau: https://talentbrand.vn/employer-branding-training/
Mọi nhu cầu tư vấn và triển khai Thương hiệu nhà tuyển dụng tại Việt Nam, xin vui lòng liên hệ Talent Brand qua email partner@talentbrand.vn hoặc hotline 0777 556 776.