Work From Home: 6 lời khuyên dành cho cha mẹ
Đối với nhân viên, đặc biệt là những người đã có gia đình, chính sách Work From Home trong giai đoạn dịch bệnh và cách ly toàn xã hội như hiện nay trở thành một thách thức không hề nhỏ. Một trong những mối quan tâm hàng đầu của một phụ huynh chính là cố gắng để cân bằng giữa nhu cầu công việc và cuộc sống gia đình, song song đó còn là bảo vệ sức khỏe và an toàn cho con trẻ.
Sẽ ra sao nếu con bạn bị ốm hoặc cần sự trợ giúp của bạn để làm bài tập online? Hoặc trong những tình huống bất khả kháng, bạn phải liên tục sử dụng iPad để giữ con bạn trong tầm kiểm soát dù biết rằng điều đó có hại cho trẻ?
Có vô vàn những tình huống có thể xảy đến trong thời gian này, khi trường học đóng cửa và con bạn gần như hoạt động 24/24. Khi bạn phải chiến đấu cho từng phần trăm năng suất, bạn mong muốn mỗi ngày đều diễn ra bài bản và không lãng phí thời gian. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra 6 gợi ý mà những bậc phụ huynh có con nhỏ có thể áp dụng để xây dựng một ngày hiệu quả và linh hoạt.
#1 – Duy trì thói quen
Bước đầu tiên mà bạn cần phải làm chính là duy trì cấu trúc một ngày làm việc như mọi khi, chẳng hạn như pha cà phê, chuẩn bị bữa ăn sáng, điểm danh với sếp hoặc cập nhật tin tức. Đó chính xác là những thói quen nhỏ để giữ tinh thần làm việc của bạn trong một ngày. Ngoài ra, việc cố định những thói quen cá nhân thường thấy sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn để xây dựng lịch trình và thời gian để chăm sóc trẻ.
Nếu bạn có thể dành thời gian cho con bạn vào 20 hoặc 30 phút buổi sáng, nhiều khả năng bạn sẽ nhận được một hoặc hai giờ làm việc chất lượng và hiệu quả sau đó. Vì vậy, hãy ôm ấp và đọc một số mẩu chuyện nho nhỏ trước khi bắt đầu làm việc, điều này cũng sẽ có lợi cho tâm trạng của bạn xuyên suốt một ngày. Điều này sẽ giúp con bạn tự ý thức hơn về việc chơi vui vẻ và ngoan ngoãn để bạn có thể hoàn thành công việc.
Nếu bạn lo lắng rằng trẻ có thể bất chợt nhận ra sự vắng mặt của bạn và xông vào phòng để tìm kiếm bạn, hãy tranh thủ 10 đến 15 phút để nghỉ giải lao và kiểm tra xem con bạn đang làm gì, hoặc bạn có thể chủ động chuẩn bị một ly nước cam để bổ sung chất C cho trẻ trong thời gian này chẳng hạn. Những khoảng nghỉ nhỏ như thế sẽ giúp con cái và phụ huynh cảm thấy kết nối hơn cũng như bạn có thể chủ động về thời gian thay vì đột ngột bị gián đoạn.
#2 – Tạo thời gian biểu có thể tùy chỉnh
Hãy chủ động xây dựng lịch trình làm việc một tuần bao gồm những thói quen kể trên nhưng cũng đừng quên dành ra những khung thời gian tùy chỉnh để xử lý công việc phát sinh. Trong kế hoạch của bạn, cần phải đảm bảo được những hạng mục sau:
- Lịch trình cho con của bạn
- Bạn sẽ nấu gì hoặc mua gì cho mỗi bữa ăn
- Thời gian làm việc nhà (giặt giũ, nấu cơm, rửa chén…)
- Thời gian có thể diễn ra những cuộc họp công việc quan trọng của bạn và “nửa kia”
Tùy thuộc vào tính linh hoạt của gia đình bạn, bạn có thể cân nhắc chuyển sang làm việc theo ca và luân phiên thay đổi vai trò chăm sóc trẻ. Tất nhiên bạn cần phải giao tiếp và trao đổi với nửa kia của mình để cả hai có thể đưa ra những thỏa thuận nghiêm túc và sắp xếp thời gian phù hợp lên một bảng thống nhất. Chẳng hạn như, bạn sẽ làm việc trong 04 tiếng đồng hồ (không bị gián đoạn) vào buổi sáng trong khi người kia sẽ theo dõi những đứa trẻ, sau đó bạn chuyển sang trông nom bọn trẻ vào buổi chiều trong khi vợ/chồng của bạn làm việc. Khi những đứa trẻ ngủ trưa hoặc xem truyền hình, cả hai bạn sẽ hoàn thành công việc nhiều hơn một chút.
#3 – Thiết lập giới hạn với con của bạn
Bên cạnh việc trao đổi với chồng hoặc vợ, bạn cũng cần thiết lập giới hạn với trẻ khi làm việc tại nhà, nhất là khi con bạn đang ở độ tuổi đến trường. Hãy giải thích với trẻ rằng đây là một giai đoạn đặc biệt nhưng nó sẽ không kéo dài mãi mãi. Vì vậy, bạn sẽ có những nguyên tắc nhất định dành cho con mình, chẳng hạn như thời gian xem truyền hình là 45 phút, sẽ có 15 phút để con bạn được vui chơi tự do hoặc sáng tạo những món đồ độc đáo từ những vật liệu bỏ đi trong nhà mà bạn chuẩn bị sẵn.
Bên cạnh thời gian vui chơi, bạn cũng có thể thiết lập những nguyên tắc về “không làm phiền” ba mẹ trong giờ làm việc. Nếu con của bạn gây tiếng ồn trong phạm vi bạn nghe thấy hoặc bị xao nhãng, chúng sẽ bị phạt trừ 15 phút chơi game hoặc bất cứ một hình thức nào mà bạn cho rằng trẻ sẽ nghe lời, nếu không sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của chúng.
Một lựa chọn khác chính là thiết lập không gian làm việc thứ hai cho con của bạn. Hãy bố trí một cái bàn phù hợp và đặt nó với những món văn phòng phẩm như bút, giấy, băng keo, hộp màu và nhãn dán hoặc đưa cho con bạn một bàn phím cũ để sử dụng tùy ý, và sau đó để chúng làm việc trong phòng cùng với bạn. Hiển nhiên chiến lược này không thể áp dụng xuyên suốt 08 giờ làm việc nhưng nó có thể cho bạn nhiều thời gian hơn bạn mong đợi, đặc biệt sẽ khiến con bạn cảm thấy được quan tâm và luôn luôn nhìn thấy bạn ở trước mặt.
#4 – Khen thưởng những hành vi tốt
Thiết lập ranh giới chỉ là bước khởi đầu, bạn cũng cần đặt ra những tiêu chí về hành vi mà con bạn có thể được khen thưởng. Ví dụ, nếu bạn có những đứa trẻ thường xuyên cần nhiều sự chú ý của cha mẹ, trước khi bắt đầu một cuộc họp, hãy cho chúng biết những hành động nào có thể khiến bạn bị gián đoạn cuộc họp và nói rằng bạn cần chúng giúp đỡ như một trợ lý thực sự.
Sau khi buổi họp kết thúc và con bạn thực hiện đúng những gì bạn yêu cầu, hãy khen và cảm ơn trẻ vì đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ. Đối với những đứa trẻ lớn hơn, một lời khen thưởng có thể không đủ hấp dẫn và bạn hoàn toàn có thể cởi mở hơn một chút bằng cách cộng thêm thời gian chơi game cho trẻ.
Trong thời gian đặc biệt hiện tại, bạn không cần quá căng thẳng về việc con bạn sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều mà có thể linh hoạt ứng biến để chúng cảm thấy thoải mái hơn và tạo lập thói quen giữ im lặng khi bạn cần.
#5 – Sáng tạo những hoạt động mới
Cuối cùng, nếu con bạn đã quen với những hoạt động vui chơi cuối tuần, hãy tìm cách để duy trì những sự kiện đó theo một hình thức mới mẻ hơn. Một số gợi ý mà những bậc phụ huynh có thể xem xét:
- Video trực tuyến: Chọn Google Hangouts (hoặc Zoom nếu bạn muốn) và sau đó gửi lời mời đến con bạn và những đứa trẻ khác cùng độ tuổi trong gia đình, hàng xóm hoặc đồng nghiệp. Sau đó, những đứa trẻ có thể trò chuyện, khoe những món đồ chơi mình yêu thích hoặc cùng nhau tô màu. Một trong những phụ huynh có khối thời gian linh hoạt hơn có thể đọc sách, dạy trẻ học tiếng Anh hoặc tổ chức một trò chơi đơn giản.
- Khóa học miễn phí: Bạn cũng có thể đăng ký cho con mình những khóa học yoga, tập thể dục buổi sáng hoặc bất cứ hoạt động nào có liên quan đến vận động cơ thể trong nhà. Điều này giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ, đồng thời cũng giảm thiểu việc con bạn quá say mê chơi game và bạn hiện tại không ở bên cạnh. Hãy trả bài cho con của bạn vào cuối tuần và nói với trẻ về phần thưởng mà chúng có thể nhận được nếu như thuộc lòng các động tác.
- Nhóm phụ huynh: Tạo một nhóm gồm 3-4 gia đình khác mà bạn thân thiết để lưu trữ như một nguồn tài nguyên chung, đó có thể là kế hoạch xây dựng bữa ăn nhanh và đầy đủ dinh dưỡng, lịch trình hoạt động tối ưu hoặc những bài học thú vị mà trẻ sẽ thích được nghe. Với kiến thức từ những bậc cha mẹ khác, bạn sẽ có nhiều ý tưởng hơn để chăm sóc con và có một ngày làm việc suôn sẻ.
#6 – Giao tiếp rõ ràng với sếp và đồng nghiệp
Nếu bạn làm việc từ xa cho một công ty lớn, hãy chắc chắn rằng sếp của bạn đánh giá cao sự linh hoạt của bạn khi làm việc tại nhà. Có rất nhiều cách bạn có thể làm để cho họ thấy rằng bạn năng suất và tận tâm, ngay cả khi bạn không ở trong văn phòng mỗi ngày.
Cách đầu tiên để thể hiện cam kết của bạn là dậy sớm và gửi email. Nếu sếp của bạn thấy bạn trả lời email đúng hạn cũng như thông báo chính xác về những nhiệm vụ trong ngày, họ sẽ an tâm để bạn được làm việc theo lộ trình riêng, miễn là bạn đảm bảo kết quả sau cùng trong thời gian này.
Nhiều phụ huynh làm việc tại nhà thấy rằng họ làm việc hiệu quả hơn khi ăn mặc chuyên nghiệp. Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy có trách nhiệm và hoàn thành công việc nhiều hơn nếu bạn ăn mặc một cách lịch sự và trang nhã. Thói quen này cũng sẽ giúp bạn chuẩn bị tinh thần sẵn sàng nếu đột nhiên bạn nhận được một cuộc gọi video từ sếp.
Bạn cũng có thể chia sẻ với đồng nghiệp một cách thẳng thắn về những trở ngại mà bạn có thể gặp phải. Chẳng hạn như trong một cuộc họp và con bạn bất đắc dĩ phải gián đoạn, hãy nói rằng: “Xin lỗi, tôi cần ra ngoài khoảng 5 phút và sẽ quay lại ngay.” thay vì đột ngột bỏ đi mà không để lại một lời nhắn nào.
Tạm kết
Bản chất của cuộc khủng hoảng này đòi hỏi chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau trong khi phát huy trách nhiệm của mình tại nơi làm việc cũng như ở nhà. Những phương pháp trên không chỉ có thể áp dụng trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, mà còn có thể giúp bạn xây dựng những phương pháp nuôi dạy trẻ hợp lý trong những trường hợp khẩn cấp khác.
Mong rằng những chia sẻ trên sẽ phần nào đó hỗ trợ được Anh Chị trong giai đoạn làm việc nhiều biến động như hiện nay.
Trường Thanh
Talent Brand Vietnam
Tham gia cộng đồng Employer Branding trên Linkedin và Facebook để cùng thảo luận về những chủ đề hấp dẫn và cập nhật thông tin hữu ích qua link sau:
Group Linkedin: http://bit.ly/3bGVAIp
Group FB: http://bit.ly/EmployerBrandingVN
Mọi nhu cầu tư vấn và triển khai Thương hiệu nhà tuyển dụng tại Việt Nam, xin vui lòng liên hệ Talent Brand qua email partner@talentbrand.vn hoặc hotline 0777 556 776.
Có thể bạn quan tâm: